Tình chung thắm đượm trang thơ tếu, Nghĩa nặng vương mang ngọn bút cùn

Thứ Hai, 9 tháng 5, 2016

NGƯỜI GIỮ MỘ
    Nhìn thằng Cu Phước đang vui đùa với anh nó ở dưới hiên nhà Thảo bên cạnh, thỉnh thoảng Cu Phước dừng chơi sa vào lòng mẹ … lòng Tân ngập tràn sung sướng. Tân rời bỏ quê hương tìm đến nơi này lập nghiệp, qua bao nhiêu tháng năm dài với hai bàn tay trắng, quên vất vả cực nhọc, mưa nắng, trái gió trở trời, giờ đã nên cửa nên nhà, cuộc sống khấm khá hơn nhiều … Tuy không còn khổ sở như lúc trước nữa, nhưng phải rời xa người thân, xa lìa bạn bè, xa xóm làng, quê hương thân yêu … sao Tân nghe vẫn còn có cái gì đấy đè nặng trong người. Đờ đẫn nhìn về phía trước, vuông rẫy trải dài đến tận nghĩa địa, chợt Tân se lòng nhớ đến thằng chả ! …
   Thằng chả một nhân vật kỳ quái, chẳng giống ai hết, cứ lầm lầm lỳ lỳ, vẻ mặt lúc nào cũng lạnh lùng chẳng ai dám hay muốn làm quen với thằng chả ! … Nhưng cũng đừng dựa vào cái dáng vẻ bề ngoài mà đánh giá thằng chả. Điều đó không đúng !. Có ai ngờ “Chùa rách bụt vàng”, thằng chả là vị cứu tinh, là ân nhân của gia đình Tân. “Làm ơn cho người chẳng nên nhớ đến, nhưng ơn của người không được lãng quên …” Tân nhủ lòng, xếp đặt xong công việc nương rẫy, Tân sẽ đưa vợ con tìm đến thăm thằng chả một chuyến. Thú thực, xa thằng chả Tân cũng buồn, cũng nhớ …

*  *  *

   Thằng chả đến lập nghiệp sống ở đây không biết tự lúc nào, vì ở cái xứ sở này kẻ đến người đi ít ai đừng đậu lâu dài một chỗ. Người ta chỉ biết cứ mỗi độ xuân sắp về là thằng chả lại ra nghĩa địa làm sạch cỏ hai ngôi mộ rồi ngồi bất động trên tảng đá nhỏ khá bằng phẳng gần đó, chẳng hiểu thằng chả suy nghĩ điều gì ! … Không mấy ai bận tâm đến. Mặc kệ ! … Thằng chả cứ lặng ngồi mãi cho đến khi mặt trời khuất sau rặng núi xa xa, mới uể oải đứng dậy men theo con đường mòn trở về nhà.
   Thằng chả ít muốn tiếp xúc với ai, lặng lẽ thu mình như thân ốc sống trong căn nhà trống trải vách ván, mái lợp tranh. Ở đây, cũng ít ai muốn làm quen với thằng chả bỡi lẽ con người và cuộc sống của thằng chả khó hiểu quá !
Quá khứ !… Chuyện thầm kín trong đời duy chỉ có người vợ yêu của thằng chả, và duy chỉ một thằng bạn thân thiết nhất mới hiểu rõ ngọn nguồn, gốc rễ.
   Ngày xưa, thằng chả học rất giỏi, nhà tuy không giàu có, nhưng ông nội hắn từng làm quan lớn trong triều nhà Nguyễn nổi tiếng thanh liêm, vì thế mà cha mẹ thằng chả ý thức việc học gắng sức đưa thằng chả vào Sài Gòn học lớp Đệ Nhất để lấy căn bản tiếp tục vào Đại học. Cùng lớp với thằng chả cũng vào Sài Gòn có Hiền và Dung.
   Thằng chả rất thương cha mẹ, để giảm bớt gánh nặng gia đình thằng chả tìm việc làm ngoài giờ học như dạy kèm, đạp xích lô hoặc những công việc khác vừa sức, hợp với khả năng miễn sao kiếm được đồng tiền lương thiện bằng chính mồ hôi nước mắt, sức lực của chính mình trang trải trong cuộc sống hiện tại nơi phồn hoa đô hội, đua màu, khoe sắc ấy !
   Dung yêu thằng chả nhưng thằng chả lại yêu Hiền, cái vòng luẩn quẩn “Theo tình tình phớt, phớt tình tình theo” ấy cứ diễn ra trong ba người. Cuộc sống tưởng chừng êm ả … Mặt nước hồ không bao giờ lặng yên, chỉ một cơn gió nhẹ thoảng qua cũng đủ nhăn nhó, bực dọc huống hồ chi !… Nổi bật nhất trong lớp học của thằng chả là Toản, Toản học không giỏi, nhưng đẹp trai, hào phóng, tiêu tiền như nước, gia đình hắn ở miền Tây rất giàu, ruộng đất cò bay thẳng cánh. Toản để mắt đến Hiền, Hiền cũng thích Toản. Thế là Hiền quay lưng bỏ thằng chả theo Toản, thằng chả ức lắm !. So với Toản về mọi phương diện, chỉ trừ việc học hành ra thì thằng chà thua Toản là cái chắc ! … Thằng chả bất lực, đau khổ, buồn bã thiếu điều muốn bỏ học, Dung vẫn luôn bên cạnh an ủi, khuyên nhủ thằng chả.
  Hiền “Tham vàng bỏ ngãi”, “có mới nới cũ”, Dung mừng lắm, nỗi vui mừng ấy Dung dấu thật kỹ trong lòng không hiện rõ ra bên ngoài để cho thằng chả biết, Dung khôn khéo, tế nhị tránh chạm đến nỗi đau và tìm đủ mọi cách giúp thằng chả vượt qua đau khổ. Còn Hiền thì theo Toản đua đòi ăn chơi thâu đêm, suốt sáng  bỏ bê học hành.
   Dung đã chinh phục được thằng chả, thằng chả tựa như kẻ lầm đường lạc lối, tình ngộ quay về nẻo chính. Câu nói của Dung thật chí lý – Đồng ý trước cú sốc người yêu phản bội mình, ai chẳng phải đau lòng, thế nhưng không vì quá đau khổ mà hủy hoại tương lai ở phía trước mà cha mẹ kỳ vọng …  Thằng chả thấm thía thôi không buồn khổ nữa, chú tâm lao vào việc học và công việc làm để  kiếm thêm tiền thêm mà quên hết thảy muộn phiền … Thằng chả đậu Đại học đó là lẽ đương nhiên.
   Chiến tranh lan rộng … lệnh Tổng động viên được ban hành, Toản không vào được Đại học, hắn phải vào trường Hạ Sĩ quan Đồng Đế. Thằng chả hy vọng Hiền sẽ quay trở lại với mình, nhưng khi Toản mãn khóa học thì hắn và Hiền cưới nhau. Ngày đám cưới của Toản tổ chức tại Cần Thơ, thằng chả thất vọng lấy cớ bị bệnh nên không về tham dự … Và từ đó thằng chả không còn gặp lại Hiền nữa !.
   Giờ bình tâm trở lại, thẳng chả mới thấy Dung chính là người yêu lý tưởng, người vợ ngoan, hiểu thằng chả hơn ai hêt !. Thằng chả cưới Dung làm vợ. Hai vợ chồng dắt nhau tìm đến vùng đất này lập nghiệp. Nhưng sự đời trớ trêu, hạnh phúc đến rồi lại đi, chẳng bao lâu sau Dung bị bệnh lìa đời bỏ lại thằng chả đơn độc, trơ trọi một mình trên cõi thế gian. Tinh thần suy sụp hẳn, thằng chả đau khổ gấp bội lần so với lúc trước Hiền phụ bạc.
   Ngôi mộ của vợ thằng chả là ngôi mộ đầu tiên ở trong nghĩa địa này. Khi đào huyệt người ta phát hiện bên cạnh huyệt mộ có một ngôi mộ hoang không biết của ai và ai đã chôn cất tự lúc nào ?. Thằng chả bóp trán  nát óc suy nghĩ : chỉ có lính tráng hoặc bộ đội mới chôn cất ở cái nơi xa xôi hoang vắng này thôi !. Nếu là bộ đội mà nam hay nữ ? Nếu là nữ thì xấu hay đẹp?. Nếu đẹp mà thằng chả chỉ có ý tưởng léng phéng là con vợ của thằng chả đội mồ dậy lôi thằng chả theo xuống đáy mộ ngay cho mà coi !. Thằng chả rùn mình ớn lạnh. Nếu là nam thì là bộ đội hay là lính ? … thằng chả yên tâm vì vợ thằng chả yêu thằng chả nhiều lắm ! … Nhưng dù là ai đi nữa thằng chả vẫn trông nom chăm sóc chu đáo  như một người bạn thân xấu số của mình đã nằm xuống.
   Hôm nay đi tảo mộ, thằng chả vẫn ngồi lặng yên trên tảng đá nhỏ nhưng thằng chả không hề ôn lại quá khứ, ôn lại quãng đời chẳng mấy tươi đẹp, để rồi  than thân, để rồi trách phận mình như mọi khi. Đầu óc thằng chả tươi tỉnh, thoải mái hướng về ngọn đồi gần đó có tảng đá lớn dưới nắng chiều nghiêng đổ, trông tựa như thân hình con khỉ đang ngồi suy tư giống như thằng chả. Gẫm sự đời, thằng chả cảm thấy lòng da diết buồn, thằng chả càng yêu Dung, càng yêu vợ mình hơn bao giờ hết ! … Bất chợt trong đầu thằng chả vụt lóe lên … đó là niềm tin, là hy vọng sẽ giải thoát mọi khổ đau mãi đeo đuổi thằng chả như hình với bóng.
   Đang suy tư, thằng chả bỗng giật mình khi nghe tiếng hỏi : –  Xin lỗi … cho tôi hỏi thăm … 
   Thằng chả quay lại, mở to đôi mắt hết sức ngạc nhiên trân trối nhìn người đối diện … Hiền đang đứng bên cạnh cùng với Tài, thằng Tài, người bạn thân thiết nhất ngày xưa của thằng chả. Đã lâu lắm rồi không gặp, tuy mừng nhưng nỗi mừng vui ấy thằng chả cố nén chặt ở trong lòng không để lộ ra bên ngoài. Tài dẫn Hiền tìm mộ của Toản. Ngày xưa trên đường di tản từ Pleiku theo quốc lộ 14 cắt rừng về Nha Trang, Toản bị thương nặng, đến nơi này thì trút hơi thở cuối cùng, chính tay Tài chôn cất Toản bên cạnh tảng đá nhỏ nhìn về ngọn đồi bên kia có tảng đá lớn trông giống hình dáng con khỉ đang ngồi. Nghe đến đây thằng chả chết điếng trong lòng, thật oái oăm, tự bấy lâu nay, thằng chả đã chu đáo tận tình chăm sóc phần mộ của thằng bạn, cái thằng bạn trời đánh, thánh vật đã cướp mất người yêu, cướp mất hạnh phúc của mình mà mình không hay biết !… Choáng váng trước cú sốc bất ngờ, nhưng thằng chả lấy lại bình tĩnh ngay vì thằng chả quá quen, quá chai sạn với đau khổ rồi. Mà kể cũng lạ, gia đình của Toản giàu có như thế sao lại để Toản phải đi lính ! Thằng chả thắc mắc cũng đúng thôi. Thật ra tuy tham gia quân đội nhưng Toản không hề ra chiến trường khổ sở nguy hiểm như biết bao nhiêu người khác, mà hắn ngồi ở văn phòng phè phỡn, chiều chiều chở vợ xem phim ở rạp chiếu bóng Diệp Kính hay dạo phố, đi ăn phở, ăn kem …, bước tiếp theo là gia đình hắn sẽ lo cho hắn về Sài Gòn để cuộc sống của hắn sung sướng nhàn nhã hơn.
   Biết thằng chả chăm sóc phần mộ chồng mình tử tế, Hiền vô cùng cảm động. Thằng chả mời Tài và Hiền ở lại, nhưng sợ không kịp đón giao thừa nên Tài hẹn lại vào dịp khác vì còn phải về tận mãi Kiên Giang. Chỗ thằng chả sinh sống cách Phú Bổn khoảng chừng bốn mươi cây số, còn Hiền thì ở tận Pleiku. Lúc chia tay nhau, bắt gặp ánh mắt của Hiền, ánh mắt khiến cho thằng chả trằn trọc suốt đêm không ngủ, ánh mắt ấy khiến cho thằng chả phải rùng mình sợ hãi ! … Thằng chả chợt nghe lòng buồn da diết và cảm thấy thương nhớ và yêu Dung vô cùng !…

   Rồi cũng từ đó, người dân ở nơi đây không còn trông thấy thằng chả ngồi lặng yên trên tảng đá ở nghĩa địa vào những ngày cận tết nữa !

*  *  *

Một ngày nọ đi làm về ngang qua nghĩa địa, thấy hai người đàn ông xa lạ đang đào mộ của vợ thằng chả, Tân vội xông tới ngăn lại. Hai người đàn ông dừng tay, một người trong bọn hỏi :
 –  Anh biết anh Tân đi đâu không, sáng nay chúng tôi có tìm đến nhà nhưng anh ấy đi vắng ?
   Tân ngạc nhiên : –  Chính tôi đây !
   Người đàn ông mừng rỡ rút trong túi áo ra trao cho Tân một bức thư. Tân vội mở lá thư ra đọc. Đúng là chữ viết của thằng chả. Lòng Tân rười rượi buồn. Anh phụ giúp hai người đàn ông ấy bốc mộ vợ thằng chả. Thân xác của Dung chỉ còn nhúm tro đen. Tro được chứa trong một cái khạp sành nhỏ, hai người đàn ông từ biệt Tân mang đi, không để lại cho Tân một chút tin tức gì về chốn nơi của thằng chả..
   Rồi với bộn bề của công việc kiếm sống, vì miếng cơm manh áo, Tân cũng như người dân ở cái xứ này quên đi nỗi buồn và quên hẳn thằng chả, ít ai còn để tâm nhớ đến, và thời gian quên lãng cứ lặng lẽ trôi qua …
   Đến một ngày vợ Tân bị bệnh, chữa trị khắp nơi mà vẫn không thuyên giảm. Nghe nói có một vị sư Trụ trì chùa nọ bắt mạch bốc thuốc chữa bệnh rất hay, Tân đem vợ lặn lội đường xa tìm đến.      Một ông lão làm công quả giúp việc cho nhà chùa dẫn Tân vào chánh điện, Tân sững sờ đến muốn khóc, trước mặt anh là thằng chả …! trời ơi …! thằng chả bây giờ là một nhà sư, tuy đã già nhưng nét mặt vẫn không thay đổi ! Tân chắp tay vái chào. Thằng chả cười, ôn tồn –  Đừng khách sáo !… cứ như ngày nào chúng ta còn ở Đắc Lắc –.Thằng chả lúc nào cũng cởi mở, vui tính không phải như xưa nay người ta vẫn thường lầm tưởng. Không đợi thằng chả hỏi thăm Tân đã mau mắn  – Ừ, số tiền sang lại nhà cửa vườn tược em những còn thiếu anh … – Thằng chả vội xua tay lắc đầu giọng trầm buồn – Thôi … anh tặng cho vợ chồng chú – Tân bối rối, lòng áy náy khó chịu, anh thở dài  – Người đàn bà ở Pleiku về tảo mộ có hỏi em tin tức về anh, em trả lời là em không biết. Mà anh cũng tệ thật đến em mà anh cũng không cho em biết mình hiện đang ở đâu và làm gì nữa ! … Chị ấy ôm mộ chồng, rồi ôm lấy mộ của chị Dung khóc nức nở khiến em không cầm lòng được. Qua năm sau chị ấy về,  thấy mộ chị Dung đã bốc đi chị buồn lắm ! Chị ấy muốn tâm sự với em điều gì đó nhưng rồi lại thôi ! … Tiếp đến năm sau nữa chị đến bốc mộ của chồng mình …  Nơi mình ở phần đông là người Bắc họ đến rồi lại đi và rồi lần lượt bốc dỡ mộ về quê hết anh ạ !  Thằng chả ngồi lặng im, nét mặt đượm vẻ u buồn, giây phút căng thẳng nặng nề chầm chậm, chầm chậm trôi qua, thằng chả … Không !… nhà sư Tịnh Tâm chợt thốt lên ba tiếng phá tan sự im lặng đang bao trùm, vây phủ chốn thiền môn tôn nghiêm xa vắng - Nghĩa địa buồn ! -

Tiếng chuông buông ngân xa. Tân đứng lặng im, Tân hiểu, Tân hiểu rõ nỗi lòng của Người Giữ Mộ …

 

LĨNH THỤY